6 tỉ phú Việt được Forbes liệt kê, gồm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch tập đoàn Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang.
Trong đó, tỉ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trong danh sách người giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản trị giá 4,4 tỉ USD (quy đổi sang tiền Việt khoảng 109.904 tỉ đồng), tăng 100 triệu USD so với năm ngoái (tương đương 2,3%).
Hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup Nguồn: Vingroup
Tập đoàn Vingroup nơi tỉ phú Phạm Nhật Vượng giữ vai trò chủ tịch, cũng là công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, VinFast… Năm 2023, tập đoàn này đạt kết quả kinh doanh khá tốt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khi ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất 161.634 tỉ đồng (tương đương 6,5 tỉ USD), tăng 59% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 13.681 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.051 tỉ đồng, hoàn thành các kế hoạch đề ra.
Đóng góp chính vào doanh thu của Vingroup đến từ mảng bất động sản (Vinhomes) và xe điện (VinFast). Trong đó, kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 94.300 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Còn VinFast đã bàn giao được 34.855 xe điện, nâng tổng số xe đã bàn giao trên toàn cầu lên 42.291 chiếc kể từ đợt bàn giao đầu tiên vào năm 2021.
Năm 2023, VinFast cũng khởi công nhà máy trị giá 4 tỉ USD Mỹ, đồng thời đưa cổ phiếu lên niêm yết ở thị trường này. Đồng thời, VinFast cũng liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ xe điện sang Mỹ, Canada, châu Âu, gần đây là các nước châu Á và cả châu Phi.
Tính đến ngày 31-12-2023, tổng tài sản Vingroup đạt 669.617 tỉ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Nguồn: Vietjet Air
Xếp sau Chủ tịch Vingroup là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch của Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) khi sở hữu khối tài sản trị giá 2,8 tỉ USD, phục hồi 27%, tức có thêm 600 triệu USD.
Năm 2023, trong bối cảnh thị trường hàng không phục hồi với nhiều khó khăn, Vietjet Air ghi nhận tổng doanh thu 58.341 tỉ đồng, tăng 45,3% so với năm 2022 và lãi ròng đạt 231 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ lên đến 2.262 tỉ đồng.
Theo Vietjet Air, kết quả đạt được trong năm 2023 nhờ vào việc hãng đã khai thác an toàn 133.000 chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu khách, tăng 14% và 23% so với 2022, trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng 183%. Đồng thời, Vietjet đã mở mới 33 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội. Nồi bật là các đường bay TP.HCM – Thượng Hải (Trung Quốc), TP HCM – Viêng Chăn (Lào), Hà Nội – Siem Reap (Campuchia), Hà Nội – Hong Kong (Trung Quốc), Phú Quốc – Busan (Hàn Quốc)…
Tính đến ngày 31-12-2023, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 87.000 tỉ đồng, tăng 28% so với thời điểm đầu năm 2023.
Kho xưởng Hòa Phát Nguồn: Hòa Phát
Xếp thứ 3 là tỉ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát với giá trị tài sản 2,6 tỉ USD, tăng tới 40% so với năm ngoái. Sự gia tăng tài sản của ông Trần Đình Long đến từ việc tăng giá mạnh của cổ phiếu HPG, trong khi kết quả kinh doanh của tập đoàn Hòa Phát không có sự gia tăng tương ứng.
Theo đó, năm 2023, Hòa Phát đạt doanh thu thu thuần 118.953 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.800 tỉ đồng, lần lượt giảm 16% và 19%) so với năm 2022.
Giải trình về kết quả trên, Hòa Phát lý giải rằng ngành sản xuất kinh doanh thép đóng góp hơn 90% kết quả kinh doanh hợp nhất của tập đoàn nhưng trong năm 2023 kết quả kinh doanh thép suy giảm so với cùng kỳ do giá nhiên liệu tăng cao, giá thép biến động giảm; đồng thời tỉ giá và lãi suất ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm trước…
Hiện tại, cổ phiếu HPG đang ở mức xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Techcombank
Xếp sau ông Long là tỉ phú Hồ Hùng Anh, người đang nắm giữ 1,7 tỉ USD, cải thiện 13% so với năm ngoái, ông Hồ Hùng Anh hiện xếp thứ 1.851 trong nhóm giàu nhất thế giới.
Ông Hồ Hùng Anh hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Ngân hàng này từng rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 đã ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo đó, Năm 2023, Techcombank ghi nhận thu nhập lãi thuần ở mức 27.691 tỉ đồng, giảm 8% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 22.888 tỉ đồng, vượt so với kế hoạch để ra là 22.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ thuế, lợi nhuận ròng của Techcombank chỉ còn 18.190 tỉ đồng, giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với năm 2022.
Năm 2024, Techcombank đề ra mục tiêu đạt 27.100 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 18% so với kết quả 2023. Techcombank dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 15% trong thời gian quý II hoặc quý III/2024. Tổng số tiền dự chi gần 5.284 tỉ đồng. Đồng thời, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỉ đồng lên 70.450 tỉ đồng.
Masan
Tỉ phú thứ 5 trong danh sách là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan (mã MSN), một doanh nghiệp đa ngành trong mảng thực phẩm, bán lẻ. Đáng chú ý, những tháng đầu năm 2024, ông Quang có một số lần bị “gạch tên” ra khỏi danh sách tỉ phú giàu nhất thế giới do biến động tiêu cực của cổ phiếu MSN.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2-2024, cổ phiếu MSN hồi phục giúp ông đã quay trở lại danh sách tỉ phú thế giới với giá trị tài sản là 1,2 tỉ USD nhưng vẫn giảm 8% so với năm ngoái. Hiện cổ phiếu này ở mức 73.400 đồng/cổ phiếu. Nếu so từ đầu năm 2024, cổ phiếu MSN tăng gần 10%.
Về sản xuất – kinh doanh, năm 2023, Tập đoàn Masan của vị tỉ phủ này ghi nhận doanh thu thuần 78.251 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.869 tỉ đồng, giảm hơn 2.880 tỉ đồng so với năm trước (4.754 tỉ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do giá vốn hàng bán chiếm 71%, chi phí bán hàng chiếm 17% trong doanh thu và chi phí tài chính tăng 21% so với năm 2022.
Nguồn: Thaco Group
Tỉ phú Việt cuối cùng trong danh sách của Forbes là ông Trần Bá Dương với khối tài sản trị giá 1,2 tỉ USD, giảm 20% so với năm ngoài. Ông Dương đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco), doanh nghiệp sản xuất và phân phối nhiều thương hiệu ô tô lớn như Thaco, BMW, Kia, Mazda và Peugeot.
Ngoài ra, Thaco còn được biết đến là một tập đoàn công nghiệp đa ngành, gồm Thaco Agri (nông lâm nghiệp); Thaco Industries (cơ khí và công nghiệp hỗ trợ), Thadico (đầu tư xây dựng), Thilogi (Logistics) và Thiso (thương mại dịch vụ).
Trong báo cáo tài chính định kỳ do Thaco gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lợi nhuận sau thuế năm 2023 của tập đoàn này đạt hơn 2.700 tỉ đồng, giảm 63% so với năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ tăng từ 2,16 lần lên 2,26 lần, tương ứng tổng nợ gần 118.400 tỉ đồng, tăng 13% so với năm trước.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/doanh-nghiep-cua-6-ti-phu-viet-dang-lam-an-the-nao-196240404103815202.htm