Trước khi Bitcoin trở thành đồng tiền mã hóa giá trị, nó đã trải qua một thời gian dài bị xem là vô giá trị. Ngày 18/5/2010, lập trình viên máy tính Laszlo Hanyecz đăng trên diễn đàn bitcointalk.org rằng ông sẵn sàng đổi 10.000 Bitcoin lấy hai chiếc pizza. Giai đoạn này, 10.000 Bitcoin có giá tương đương 41 USD nên không mấy người chú ý tới đề nghị của ông. Đến ngày thứ tư, một thành viên diễn đàn là Jeremy Sturdivant, khi đó 19 tuổi và sống tại California, đồng ý với thỏa thuận.
Từ đó, ngày 22/5 được gọi là Ngày Pizza Bitcoin nhằm đánh dấu lần đầu đồng tiền số này được dùng làm phương tiện trao đổi. 12 năm sau giao dịch đầu tiên, số Bitcoin mà Hanyecz bỏ ra để mua hai chiếc pizza hiện có giá 300 triệu USD.
Có được số tiền điện tử lớn trong tay, Sturdivant cũng không trở thành “cá voi” hay tỷ phú tiền số khi ngay năm đó đã bán hết để lấy tiền cùng bạn gái đi du lịch vòng quanh nước Mỹ. Sau giao dịch đầu tiên của Hanyecz và Sturdivant, Bitcoin tiếp tục được giới công nghệ dùng để trao đổi theo nhiều cách kỳ lạ trước khi đồng này trở nên phổ biến như bây giờ.
Tại Việt Nam, năm nay, chuỗi cửa hàng Pizza 4P’s kết hợp với công ty Ninety Eight phát hành voucher dưới hình thức NFT. Theo đó, NFT này sẽ được đúc (mint) trên nền tảng Dagora. Chương trình kết hợp “Hot Drop NFT” là một phần trong cam kết của Ninety Eight và Pizza 4P’s nhằm mang đến trải nghiệm nhận voucher dưới dạng NFT.
“Bitcoin Pizza Day là ngày truyền thống của cộng đồng blockchain trong và ngoài nước. Mọi năm, cộng đồng sẽ kỷ niệm ngày này bằng việc mua pizza. Tuy nhiên, năm nay, trải nghiệm này sẽ thú vị hơn khi được thực hiện trên chính công nghệ của blockchain”, ông Xuân Tiến, Đại diện truyền thông Ninety Eight chia sẻ.
Theo đó, người dùng sẽ sử dụng thông tin mạng xã hội/email, tạo tài khoản blockchain bằng ứng dụng của Ninety Eight. Tại đây, ứng dụng sẽ khởi tạo một ví blockchain cho người dùng. Sau đó, khách hàng sẽ đăng nhập vào Dagora để đúc NFT bằng tài khoản social. Sau đó, code voucher sẽ được gửi về email của người dùng.
“Toàn bộ trải nghiệm trên đều tương tự việc phát hành voucher truyền thống. Tuy nhiên, với blockchain, voucher sẽ được lưu trữ dưới dạng NFT, tồn tại vĩnh viễn trên ví blockchain của người dùng”, ông Xuân Tiến nói thêm.
Từ việc đề cao tính sở hữu của người dùng, hình thức voucher NFT sẽ mở ra nhiều hình thức quảng bá, tiếp thị khác trong tương lai. “Các thương hiệu có thể remarketing dễ dàng khi người dùng lưu trữ NFT này trên ví. Có thể sáng tạo ra nhiều chương trình như đổi NFT Bitcoin Day của 3 năm liên tiếp để nhận một phần quà đặc biệt hơn…”, ông Tiến chia sẻ.
Theo Đời sống Pháp luật