Được thành lập từ năm 1968 tại Mỹ, Intel là công ty đầu tiên về lĩnh vực bán dẫn và là một trong 50 công ty quan trọng nhất trên thế giới trong suốt thời gian qua. Năm 2006, Intel chính thức mở nhà máy tại Việt Nam, tạo nên một bước ngoặt lớn trong việc Intel đầu tư vào Việt Nam. Trong cuộc chơi mới về chip của Intel trên máy tính cá nhân ứng dụng AI, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phùng Việt Thắng – Giám đốc SMG của Intel tại Việt Nam để hiểu hơn về chiến lược của Intel trong cuộc đua với những đối thủ trong ngành nhằm nắm giữ lợi thế cạnh tranh tại thị trường Việt.
Dự kiến sẽ xuất xưởng 40 triệu CPU cho AI PC trên toàn cầu trong năm 2024
Thực tế nhu cầu AI PC tại thị trường Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng như thế nào, theo nhìn nhận của cá nhân không?
Theo kết quả sơ bộ từ công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation (IDC) công bố ngày 8/4, các lô hàng máy tính cá nhân (PC) trên toàn cầu đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024 sau 2 năm sụt giảm. Báo cáo cũng chỉ ra rằng thị trường PC đã tăng 1,5% so với một năm trước đó, với 59,8 triệu lô hàng trong quý đầu tiên và quay trở lại mức trước đại dịch. Sự sẵn có của các PC được trang bị AI dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu về các thiết bị này. Tuy chưa có số liệu cụ thể tại Việt Nam, nhưng chúng ta có thể lấy tham số chung từ khảo sát của IDC khi dự kiến tổng lượng PC toàn cầu sẽ đạt 265,4 triệu chiếc trong năm 2024, tương đương với mức tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Chúng ta cũng quay trở lại một chút vào thời điểm khi đại dịch diễn ra. Lúc này, nhu cầu trang bị máy tính của người tiêu dùng tăng cao do tất cả chúng ta đều phải làm việc tại nhà, con em chúng ta phải học tập từ xa. Việc này khiến cho thị trường máy tính bùng nổ, phát triển một cách nhanh chóng.
Từ thời điểm đó cho đến nay đã gần 3 năm, các thiết bị được người tiêu dùng mua sắm đã trở nên lạc hậu đôi chút bởi những bước phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI PC. Để đón đầu xu hướng mới, người dùng sẽ có nhu cầu đổi thiết bị cũ sang các mẫu AI PC mới để tăng hiệu suất làm việc, chất lượng công việc, và rút ngắn thời gian làm việc.
Nhu cầu PC trong hai năm qua cũng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế, với lãi suất cao và tình hình lạm phát buộc các doanh nghiệp phải trì hoãn việc nâng cấp thiết bị. Vì vậy, họ cũng sẽ cần phải đổi mới để có thể nắm bắt được những cơ hội mà AI mang đến.
Chưa kể, người dùng tại Việt Nam cũng đã bắt đầu ứng dụng AI vào trong công việc, cuộc sống hàng ngày nên theo tôi, nhu cầu về dòng máy AI PC trong thời gian tới sẽ tăng cao. Bản thân Intel dự kiến sẽ xuất xưởng 40 triệu CPU cho AI PC trên toàn cầu trong năm 2024.
Tại sao Intel lại thúc đẩy AI PC trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam? Chiến lược dài hơi của Intel tại Việt Nam là gì, ông có thể tiết lộ với độc giả được không?
Tại Việt Nam hay trên toàn cầu, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục “Bring AI everywhere” hay đại chúng hóa AI thông qua AI PC được trang bị bộ vi xử lý Core Ultra. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người dùng phổ thông đều có thể tiếp cận AI để khám phá và đổi mới. Hiện nay, người tiêu dùng đã có thể mua các mẫu AI PC tại các cửa hàng trên toàn quốc mà không phải chờ đợi ba hay năm năm nữa.
Theo dự đoán của Boston Consulting Group, AI PC sẽ chiếm 80% thị phần PC toàn cầu vào năm 2028. Intel đã nhanh chóng tạo ra nền tảng phần cứng và phần mềm tốt nhất cho AI PC. Cách đây vài tuần, Intel đã giới thiệu bộ vi xử lý Intel Core Ultra thế hệ mới với tên gọi Lunar Lake tại Triển lãm Công nghệ Computex 2024 ở Đài Loan. Các vi xử lý Lunar Lake sẽ được tích hợp trong 80 mẫu AI PC đến từ các đối tác OEM và dự kiến sẽ đến tay người tiêu dùng trong Quý 3/2024. Đúng dịp mua sắm cuối năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến cho người dùng những AI PC mạnh mẽ hơn, với khả năng xử lý AI nhanh hơn, bảo mật hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thực hiện Chương trình Xúc tiến AI PC trên toàn cầu nhằm hỗ trợ các đối tác phần cứng và phần mềm tối ưu hóa ứng dụng, tính năng sẵn có trên các nền tảng của Intel, đồng thời đưa ra những tính năng và ứng dụng AI mới để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Nhưng trên hết, chúng tôi cho rằng những phần mềm nội địa từ các công ty trong nước sẽ khiến cho việc sử dụng AI PC của người dùng tối ưu hơn. Vì phần mềm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp AI PC hoạt động. Do vậy, Intel sẵn sàng làm việc với các công ty phần mềm Việt Nam để trước tiên tối ưu hóa những tính năng, phần mềm sẵn có. Sau đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ phát triển những tính năng và phần mềm mới để khai thác hết sức mạnh của AI PC nhằm phục vụ cho người Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh như vậy, vai trò của nhà máy Intel Products Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào, và AI đóng vai trò gì trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất của Intel? Ngoài ra, các vi xử lý dành cho AI PC được sản xuất tại đâu?
Intel sở hữu hệ thống nhà máy trên toàn cầu và các CPU phục vụ cho AI PC được sản xuất ở khắp nơi trên toàn thế giới. Trong đó, nhà máy Intel Products Việt Nam (IPV) cũng đóng góp vào quá trình tạo ra những sản phẩm này.
IPV chịu trách nhiệm kiểm định và lắp ráp các sản phẩm và là nhà máy lớn nhất về mảng này trong hệ thống của Intel. Vào năm ngoái, IPV chịu trách nhiệm sản xuất vi xử lý thế hệ 13 Raptor Lake và vi xử lý Meteor Lake, đồng thời chiếm hơn 50% sản lượng về lắp ráp và kiểm định. Những thông tin này đủ chứng minh giá trị mà IPV mang lại cho chuỗi cung ứng của Intel trên toàn cầu.
Tại các nhà máy, chúng tôi ứng dụng rất nhiều công nghệ và máy móc tiên tiến, trong đó bao gồm cả AI. Intel đã ứng dụng AI để hệ thống hóa chuỗi cung ứng, tối ưu hóa kho bãi, giúp rút ngắn thời gian ra quyết định từ sáu tháng xuống còn một tuần, tiết kiệm cho chúng tôi 58 triệu USD.
Chúng tôi cũng tiết kiệm thêm 23 triệu USD cho chi phí nguyên vật liệu trong một năm qua việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) và máy học (machine learning) để cải thiện khả năng ra quyết định trong khâu thiết kế. Tại IPV, chúng tôi cũng ứng dụng AI vào sản xuất để mang lại hiệu quả tương tự.
Đầu tư 22 triệu USD cho chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ cao tại Việt Nam
Về khả năng sử dụng AI của người Việt, ông nhìn nhận, đánh giá ra sao?
Về khả năng sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI, người Việt Nam rất nhanh nhạy và thích ứng tốt. Việt Nam có đông dân số trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, họ rất cởi mở với công nghệ mới. Và hiện nay, có rất nhiều người Việt đã ứng dụng AI trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Ở góc độ làm chủ và sáng tạo cùng AI, chúng tôi thấy tiềm năng rất lớn từ các tài năng Việt Nam. Intel tạo ra những bộ vi xử lý dành và làm việc cùng với các đối tác phần cứng lẫn phần mềm để cho ra đời các sản phẩm AI PC có thể tận dụng tối đa năng lực tính toán của bộ vi xử lý.
Như đã đề cập trước đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các công ty sản xuất phần mềm tại Việt Nam để hỗ trợ họ tối ưu hóa các tính năng, ứng dụng sẵn có để chạy tốt trên các AI PC trang bị Core Ultra. Sau đó, chúng tôi có thể giúp họ phát triển những tính năng và ứng dụng mới để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Intel có chương trình gì để hỗ trợ đào tạo nhân sự tại Việt Nam không thưa ông?
18 năm trước, khi Intel vừa đầu tư để xây dựng nhà máy IPV tại Việt Nam, chúng tôi đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hiện đại hóa chương trình học. Chúng tôi gọi chương trình này là HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program), Chương trình liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật. Và Intel đã đầu tư khoảng 22 triệu đô để hiện đại hóa chương trình học. Chương trình này đã giúp Việt Nam đào tạo được nhiều kỹ sư sẵn sàng làm việc trong ngành công nghệ cao.
Về AI, chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Bách khoa (TP. Hồ Chí Minh) để hợp tác thay đổi chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo các chương trình mới sẽ tập trung hơn vào các công nghệ mới nổi mà ngành công nghiệp cần.
Trong thời gian tới, chúng tôi cũng có các chương trình hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các chương trình đào tạo về AI ở Intel về các trường đại học ở Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy các hoạt động này để phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của AI tại Việt Nam.
Trong cuộc chơi AI PC có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn, có thể kể đến như Qualcomm, Nvidia, Intel hiện đang định vị mình ở vị thế nào so với các đơn vị khác cùng ngành? Intel hiện sở hữu những năng lực cốt lõi hay lợi thế đặc biệt nào khi tham gia vào cuộc chơi này?
Trong vòng hai năm trở lại đây, AI đã tạo nên một cú hích cực mạnh khiến toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn thay đổi. Intel đã tiên phong trong việc đưa khái niệm AI PC đến với thị trường và người tiêu dùng. Sau đó, các công ty khác cũng bắt đầu đi theo xu hướng này. Trong Quý I/2024, tổng số lượng chip trang bị trong AI PC của chúng tôi đưa ra thị trường đã vượt hơn các đối thủ cộng lại.
Vì thế, một trong những lợi thế của Intel là bề dày kinh nghiệm. Thành lập từ năm 1968, Intel sở hữu lịch sử lâu đời trong ngành bán dẫn. Chúng tôi là những người tiên phong mang đến những công nghệ mới mang tính bước ngoặt để đổi mới ngành, gia tăng năng suất. AI cũng là lĩnh vực mà Intel nghiên cứu lâu năm, nhờ vậy, chúng tôi đã tích hợp khả năng tính toán mạnh mẽ vào những bộ vi xử lý mới như Lunar Lake.
Lợi thế thứ hai nằm ở hệ sinh thái đối tác rộng và mở của Intel. Đây là một hệ sinh thái được phát triển qua nhiều năm, đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình nghiên cứu và sản xuất của Intel. AI PC là sự kết tinh từ cả phần mềm và phần cứng. Vì vậy, để có được một mẫu AI PC hoàn chỉnh, chúng tôi và các đối tác phần cứng trong hệ sinh thái phải làm việc chặt chẽ để tinh chỉnh và tối ưu hóa cả về phần cứng. Tương tự, để AI PC có thể hoạt động trơn tru, phần mềm được tối ưu hóa kỹ lưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Intel đã làm việc với hơn 100 nhà cung cấp phần mềm độc lập để tối ưu hơn 300 tính năng và ứng dụng. Nhờ vậy, những mẫu AI PC mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới mượt mà hơn.
Cuối cùng, nền tảng x86 lâu đời của Intel mang đến khả năng tương thích cao. Người dùng khi mua các sản phẩm AI PC được trang bị vi xử lý của Intel sẽ không phải lo lắng về việc không cài đặt được hoặc gặp vấn đề khi sử dụng các ứng dụng, phần mềm.
Theo ông chia sẻ, dây chuyền sản xuất của Intel được vận hành theo quy trình quy chuẩn hóa toàn cầu. Vậy khi đối mặt với những bài toán rủi ro về đứt gãy nguồn cung ứng, Intel đã có những hướng xử lý như thế nào trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng?
Tại Intel, chúng tôi tin rằng mình cần một chuỗi cung ứng bền bỉ và cân bằng về mặt địa lý. Điều này thể hiện rõ trong giai đoạn đại dịch diễn ra. Kế hoạch của chúng tôi trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục với việc mở rộng chuỗi cung ứng trải dài khắp toàn cầu.
Tôi cho rằng điều này sẽ mang đến một số lợi thế sau. Đầu tiên, Intel sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ nơi nào. Thứ hai, chúng tôi có thể tận dụng lợi thế khác nhau ở mỗi quốc gia. Chúng ta đều biết rằng hiện nay quá trình số hóa đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Khách hàng của chúng tôi không chỉ gói gọn trong một hoặc hai quốc gia, mà nằm trên phạm vi toàn cầu.
Vì vậy, mô hình trải rộng sẽ giúp chúng tôi tối ưu hóa được chi phí, cũng như hiểu rõ được nhu cầu của các khách hàng địa phương để cung cấp những sản phẩm phù hợp. Chưa kể, trong tình hình lạm phát hiện nay, việc tối đa hóa lợi thế của từng nhà máy cũng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều.
Bên cạnh đó, Intel Việt Nam cũng sở hữu mạng lưới nhà cung cấp địa phương với số lượng lên đến hơn 200 đơn vị. Nhờ vào mạng lưới này, chúng tôi có thể đảm bảo việc vận hành, sản xuất không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân khách quan.
Trước làn sóng AI, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng được quan tâm rất nhiều. Vậy thì AI PC có đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi, quyền riêng tư của người tiêu dùng lên hàng đầu như thế nào?
Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến AI, mọi người sẽ hình dung đến việc đưa thông tin cá nhân lên nền tảng đám mây, chẳng hạn như ChatGPT để xử lý. Đối với AI PC trang bị vi xử lý Core Ultra thế hệ Lunar Lake sắp tới, các tác vụ, thông tin sẽ được xử lý trực tiếp trên thiết bị nhờ sự xuất hiện của NPU. Vì vậy người dùng sẽ không cần phải lo lắng về vấn đề bảo mật.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Đời sống Pháp luật