Theo Euro News, hiệp ước khung về AI đặt ra khung pháp lý đối với tất cả giai đoạn trong tiến trình phát triển hệ thống AI, đồng thời giải quyết những rủi ro tiềm ẩn từ AI và thúc đẩy đổi mới công nghệ một cách có trách nhiệm. Tổng Thư ký EC Marija Pejcinovic cho rằng hiệp ước khung về AI có thể giúp bảo đảm việc sử dụng AI có trách nhiệm, tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và dân chủ. Hiệp ước này nhằm thiết lập các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát phù hợp với bối cảnh và rủi ro cụ thể, bao gồm việc xác định nội dung do hệ thống AI tạo ra.
Tuyên bố của EC hôm 17-5 nêu rõ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hiệp ước này. Các bên ký kết sẽ phải bảo đảm trách nhiệm giải trình về những tác động tiêu cực và về việc hệ thống AI tôn trọng bình đẳng, bao gồm bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử và quyền riêng tư. Bên cạnh đó, hiệp ước yêu cầu mỗi bên thành lập một cơ chế giám sát độc lập để theo dõi việc tuân thủ hiệp ước, đồng thời nâng cao nhận thức, khuyến khích tranh luận tích cực công khai và tiến hành tham vấn nhiều bên liên quan về cách sử dụng công nghệ AI. Hiệp ước này là kết quả 2 năm làm việc của một cơ quan liên chính phủ, Ủy ban Trí tuệ nhân tạo (CAI) cũng như các đại diện từ lĩnh vực tư nhân và giới học giả. Dự kiến hiệp ước khung về AI này sẽ được ký kết tại một hội nghị của các bộ trưởng Tư pháp EU ở thủ đô Vilnius – Lithuania vào tháng 9.
Trong diễn biến khác, Bộ Tư pháp Mỹ và TikTok đã yêu cầu Tòa án phúc thẩm Mỹ đưa ra lịch trình nhanh chóng để xem xét các thách thức pháp lý đối với quy định mới yêu cầu Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19-1-2025, nếu không TikTok sẽ bị cấm hoạt động ở Mỹ. Theo hãng tin Reuters, hôm 14-5, một nhóm nhà sáng tạo nội dung TikTok đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn luật mới có thể cấm ứng dụng được 170 triệu người Mỹ sử dụng. Nhóm này cho rằng lệnh cấm ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của người Mỹ.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/hiep-uoc-quoc-te-dau-tien-ve-ai-196240518200234688.htm