Theo ước tính của Công ty kinh tế tuần hoàn TXO (Anh), có tới 800.000 tấn dây đồng có thể được thu hồi trong vòng 10 năm tới – nguồn tài nguyên quý giá có thể mang về hơn 7 tỷ USD cho các công ty viễn thông nếu được tái chế. Hiện tại, hơn 12 công ty viễn thông đang xem xét việc khai thác dây đồng từ các mạng lưới cũ để bán ra thị trường.
Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng đồng ngày càng tăng trong bối cảnh ngành khai thác đồng đang phải vật lộn để đáp ứng. Đồng thời, giá đồng cũng đang tăng phi mã, cao hơn 50% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, báo cáo từ S&P Global năm 2022 cũng chỉ ra rằng hoạt động tái chế có thể không đủ để bù đắp hoàn toàn khoảng cách giữa cung và cầu. Nhu cầu về đồng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, từ 25 triệu tấn lên 50 triệu tấn. Điều này khiến giá trị của mỗi tấn đồng tái chế ngày càng tăng, thu hút sự quan tâm của các công ty viễn thông. Theo ước tính, hoạt động tái chế đồng hiện nay có thể mang lại mức lợi nhuận lên tới 30%.
Thực tế, việc tái chế đồng không hề đơn giản. Nhiều tuyến dây cáp đồng được lắp đặt từ nhiều năm trước hiện nằm dưới lòng đất và có thể đã xuống cấp. Việc khai quật và xử lý để đưa chúng về trạng thái có thể bán được sẽ đòi hỏi chi phí không hề nhỏ. Song, tiềm năng lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động này vẫn là động lực lớn để các ông lớn viễn thông như AT&T (Mỹ) đẩy mạnh hoạt động tái chế.
Báo cáo cho biết, chỉ trong giai đoạn từ 2021 đến 2023, AT&T đã tái chế 14.000 tấn đồng, thu về khoảng 86 – 120 triệu USD. Giám đốc chuỗi cung ứng của AT&T, bà Susan Johnson, cho biết: “Đây đã trở thành một mảng kinh doanh khá lớn đối với chúng tôi, và chúng tôi đang hướng tới những con số lớn hơn nhiều”.
Sự chuyển dịch sang công nghệ cáp quang, với công suất truyền tải vượt trội, là nguyên nhân chính khiến dây cáp đồng dần trở nên dư thừa.
Một công nghệ cáp quang sắp ra mắt dự kiến sẽ giúp tăng gấp 12 lần dung lượng dữ liệu của cáp quang biển. Mặc dù việc tái sử dụng vật liệu cũ không phải là điều mới mẻ, nhưng việc tái chế đồng lại đặc biệt có giá trị. Kim loại này là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ các tấm pin mặt trời cho đến ắc quy – những ứng dụng vẫn phụ thuộc vào hệ thống dây điện truyền thống.
Tại thời điểm thực hiện bài viết, giá đồng vào khoảng 10.000 USD/tấn, gần chạm mức cao nhất mọi thời đại trong thời hiện đại. Nếu giá tiếp tục tăng, tổng giá trị của dây đồng tái chế có thể dễ dàng tăng thêm hàng trăm triệu USD. Tất nhiên, điều này chỉ xảy ra khi các công ty viễn thông sẵn sàng khai quật và xử lý khối tài nguyên khổng lồ đang bị lãng quên này.
Theo antt.nguoiduatin.vn
https://antt.nguoiduatin.vn/mot-cong-nghe-loi-thoi-nhung-an-chua-kho-bau-7-ty-usd-duoi-long-dat-nhieu-nganh-khao-khat-my-da-bat-dau-khai-thac-15910.html