Đầu năm 2024, nhiều người dùng CPU Intel Core i9-13900K và Core i7-14900K đã báo cáo về tình trạng crash (văng game) khi chơi các tựa game khác nhau. Một số người gặp lỗi “out of video memory” (hết dung lượng VRAM) khi chơi game, trong khi một số khác cho biết game bị tắt đi một bất ngờ hoặc thậm chí hệ thống bị treo hoàn toàn và phải khởi động lại.
Theo đó, hầu hết các vấn đề này ảnh hưởng đến các game sử dụng engine Unreal Engine như Fortnite. Epic Games, nhà phát triển Fortnite, đã khuyến cáo người dùng điều chỉnh cài đặt BIOS, cụ thể là đổi tùy chọn SVID Behavior thành Intel Fail Safe trên các bo mạch chủ Asus, Gigabyte hoặc MSI.
Theo RAD, công ty sở hữu Bink video codec và Oodle data compression technology (thuộc Epic Games), việc người dùng “tinh chỉnh quá mức các thông số của chip trong BIOS” khiến một lượng nhỏ CPU của Intel hoạt động ngoài phạm vi xung nhịp và mức tiêu thụ điện năng cho phép (dưới tải nặng), dẫn đến việc thực thi lệnh của chip trở nên không chính xác.
Bản thân một số nhà phát triển game cũng đã đưa ra một số khuyến cáo tới người dùng. Fatshark, nhà phát triển Vermintide 2 và Warhammer 40,000: Darktide, đề nghị người dùng Intel gặp vấn đề nên underclock (hạ xung nhịp) tốc độ các nhân xử lý thuộc loại Performance Core (hay P-Core) bằng phần mềm Intel Extreme Tuning Utility (XTU), từ x55 xuống x53. Trong khi đó, nhà phát triển Gearbox cũng đưa ra lời khuyên tương tự là xóa mọi thiết lập ép xung hoặc sử dụng phần mềm XTU.
Gearbox cũng lưu ý những thay đổi thực hiện trong BIOS vẫn giữ nguyên sau vài lần khởi động lại máy, trong khi việc sử dụng các phần mềm của Intel sẽ không có hiệu lực sau khi tắt máy và mở lại. Gần nhhaats, nhà phát triển Outpost: Infinity Siege đề xuất người chơi sử dụng CPU Intel i9-13900K hoặc 14900K nên downclock từ 5.5GHz xuống khoảng 5GHz để tránh crash.
Nvidia, nhà sản xuất card đồ họa nổi tiếng, cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Theo ZDNet Korea, một số game sử dụng card đồ họa Nvidia như Remnant 2, Hogwarts Legacy, The Finals, Overwatch 2 và Nightingale cũng gặp phải sự cố. Tekken 8 thậm chí hiển thị thông báo lỗi cho rằng PC không đủ bộ nhớ, ngay cả trên hệ thống có dung lượng VRAM và RAM hệ thống rất lớn.
Chấp nhận đổi trả sang AMD Ryzen để chơi game ổn định hơn
Theo trang ZDNet Korea, do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố trên, nhiều người dùng ở Hàn Quốc đã đổi trả CPU thế hệ 13 hoặc 14 hoặc máy tính được tích hợp sẵn CPU này của Intel sang các bộ xử lý AMD Ryzen tương đương. Một số nhà sản xuất linh kiện gốc (OEM) và nhà sản xuất PC cho biết các game thủ đang trả lại PC của họ và điều này khiến họ phải chịu một phần thua lỗ trong kinh doanh. Theo báo cáo, có hơn 10 game thủ Hàn Quốc trả lại CPU hoặc PC sử dụng Intel Core i9 thế hệ 13 và 14 mỗi ngày với lý do tương tự về sự ổn định khi chơi game.
Tin tức này có thể là lý do khiến Intel cuối cùng xác nhận đang điều tra các vấn đề. Intel cho biết họ “đã biết về những vấn đề xảy ra khi thực hiện một số tác vụ trên bộ vi xử lý lõi thế hệ 13 và 14 dành cho PC để bàn, và đang phân tích chúng cùng với các đối tác chính.”
Hiện tại, cho đến khi Intel đưa ra giải pháp khắc phục tốt hơn, việc downclock, giảm giới hạn nguồn/dòng điện và undervolt CPU thế hệ 13/14 dường như là cách duy nhất để xử lý tình trạng không ổn định của game.
Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù các vấn đề này mới được chú ý gần đây, nhưng các báo cáo sớm nhất về tính không ổn định khi chơi game trên CPU thế hệ thứ 13 của Intel đã có từ năm 2022 khi những con chip này lần đầu tiên được ra mắt, theo Wccftech.
Vài tháng sau khi những con chip này ra mắt, những vấn đề đầu tiên đã được nêu rõ trên các diễn đàn của Steam. Tuy nhiên, vào thời điểm đó không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào về nguyên nhân gây ra vấn đề.
Với sự ra mắt của CPU thế hệ thứ 14, các vấn đề trở nên rõ ràng hơn trên các SKU đầu bảng như Core i9, khiến cộng đồng công nghệ phải xem liệu vấn đề thực sự nằm ở phía phần mềm hay phía phần cứng. Trong vòng vài ngày vừa qua, nhiều người nhận định sự cố rõ ràng là có sự kết hợp của cả hai, CPU thế hệ thứ 13 và 14 của Intel bị đẩy vượt quá giới hạn của chúng và BIOS mặc định bởi các nhà sản xuất bo mạch chủ thậm chí còn đẩy những chip này phải làm việc ‘vất vả hơn’.
Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi bản thân CPU Intel Core i9 thế hệ 13 và 14 là một trong những con chip mạnh mẽ nhất hiện nay. Chúng có tốc độ xung nhịp cao nhất, mức tiêu thụ điện năng lớn nhất trong tất cả các bộ vi xử lý được phát hành cho đến nay và đồng thời cũng rất nóng. Đã có nhiều trường hợp Intel phải điều chỉnh tốc độ xung nhịp (được quảng cáo) cho các chip này trên trang web chính thức của họ. Theo đó, hãng này phải giảm chúng xuống mức thực tế hơn vì những con chip này hoạt động quá nặng dẫn đến việc giảm xung nhịp so với quảng cáo.
Trong bài đánh giá Core i9-14900KS của trang Wccftech, nhiều chuyên gia công nghệ của trang này đã nhận định đây là một con chip bị ‘ép’ phải đẩy hiệu năng lên quá cao – cao đến mức độ ổn định không còn là mối quan tâm hàng đầu. Nói cách khác, đây là một con chip dành cho những người ép xung chuyên nghiệp và chỉ phù hợp với mục đích đó. Đối với game thủ, Wccftech khuyến cáo người dùng tốt nhất là nên chọn các mẫu Core i5 hoặc Core i7 cho đến khi Intel có thể khắc phục các vấn đề về độ ổn định với dòng Core i9 cao cấp.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-nguoi-dung-cpu-intel-core-i9-oi-13-va-14-than-troi-vi-gap-u-loi-khi-choi-game-chap-nhan-oi-tra-sang-chip-ryzen-cua-amd-e-may-on-inh-hon-a412480.html