Tư duy ‘ngắn hạn’
Ngành công nghệ đang chứng kiến làn sóng cắt giảm nhân sự diện rộng, gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng bong bóng dot-com đầu những năm 2000.
Theo NPR, chỉ riêng trong năm 2023, hơn 260.000 việc làm trong lĩnh vực này đã biến mất và xu hướng này tiếp tục kéo dài sang năm 2024 với khoảng 25.000 nhân viên bị sa thải chỉ trong 4 tuần đầu năm.
Mặc dù một số trường hợp sa thải là không thể tránh khỏi do chu kỳ suy thoái và tăng trưởng kinh tế, nhưng ngày càng nhiều CEO sử dụng biện pháp này như một cách để làm hài lòng các cổ đông bằng cách tạo ra những cú hích ngắn hạn cho lợi nhuận của công ty.
Tuy nhiên, đây là một cách tiếp cận thiển cận, coi nhân viên như những con số trên bảng cân đối kế toán mà bỏ qua giá trị của việc giữ chân họ trong dài hạn, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sa thải nhân sự có thể gây tổn hại đến hiệu quả tài chính của công ty theo thời gian, đồng thời làm giảm sự gắn bó của nhân viên và chất lượng dịch vụ khách hàng.
Sự hy sinh của Iwata đến di sản của Welch
Trong bối cảnh AI đang đảo lộn thị trường lao động thì những câu chuyện về cách doanh nghiệp đối xử với nhân viên đang nóng trở lại.
Ví dụ điển hình là câu chuyện về CEO Satoru Iwata của Nintendo, người đã cắt giảm 50% lương của mình để tránh sa thải nhân viên vào năm 2013, bất ngờ gây sốt trở lại.
Sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội về tấm gương Iwata cho thấy sự tương phản rõ rệt so với xu hướng hiện tại, đồng thời là lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị của việc đặt con người lên hàng đầu.
Ngược lại, CEO Jack Welch của General Electric từ năm 1981 đến 2001, lại được biết đến với phương pháp quản lý khắc nghiệt mang tên “xếp hạng và sa thải” (rank and yank), trong đó ông sa thải 10% nhân viên có hiệu suất thấp nhất hàng năm và tuyển dụng mới.
Phong cách lãnh đạo của Welch từng được tôn sùng, nhưng di sản của ông vẫn còn gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng thành công của ông đến từ việc gian lận tài chính hơn là văn hóa sa thải nhân viên.
Dù phương pháp quản lý khắc nghiệt với nhân viên của Welch đã giảm sức hút trong những năm 2000 và 2010, nhưng mong muốn cắt giảm nhân sự để đạt được lợi ích ngắn hạn của các CEO dường như đang quay trở lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Lao động bền vững, doanh nghiệp thành công
Tờ Entrepreneur cho hay thay vì liên tục cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp nên xem xét lợi ích của việc đầu tư vào nhân viên và nuôi dưỡng một lực lượng lao động ổn định, gắn bó lâu dài.
Khi cảm thấy an toàn và được coi trọng, nhân viên sẽ cống hiến hết mình, trung thành với tổ chức và sẵn sàng gắn bó lâu dài. Họ không chỉ nỗ lực để đạt được kết quả công việc mà còn chủ động đề xuất ý tưởng, dám chấp nhận rủi ro và thúc đẩy sự đổi mới.
Một lực lượng lao động ổn định cũng thúc đẩy mối quan hệ tốt hơn với khách hàng và nhà cung cấp, tạo sự tin tưởng và liên tục trong kinh doanh.
Trong thời đại xu thế “nghỉ việc thầm lặng” (Quiet Quitting) tăng cao, việc giữ chân nhân viên càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Sự bất an về công việc có thể khiến nhân viên chỉ làm việc ở mức tối thiểu hoặc tìm kiếm công việc phụ để đảm bảo thu nhập, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc chung.
Theo Entrepreneur, các dữ liệu cho thấy việc giữ chân nhân viên dẫn đến năng suất cao hơn, giảm chi phí đào tạo và tuyển dụng, đồng thời tạo ra môi trường làm việc tích cực, tinh thần làm việc cao hơn.
*Nguồn: Entrepreneur
Theo An ninh Tiền tệ