Tại hội thảo khoa học “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm tải ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân” tổ chức vào ngày 11/4 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Công ty TNHH Công nghệ Giao thông thông minh Đường sắt Hồ Nam, Trung Quốc (HUNAN CRRC) đề xuất đầu tư 3 tuyến tàu điện không ray (ART) tại Hà Nội với phương châm: “Phương tiện giao thông xanh – Không đường ray – Trong tầm kiểm soát”.
Ba tuyến ART được đề xuất cho Hà Nội với ý tưởng ưu tiên kết nối các khu vực ngoại thành với hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Trong đó tuyến ART số 1: Từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Đại học Quốc gia (Hòa Lạc); Tuyến ART số 2: Thiên đường Bảo Sơn – Nhổn (kết nối với tuyến ĐSĐT số 3 tại ga đầu tuyến); Tuyến ART số 3: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Nước ngầm (kết nối tuyến ĐSĐT số 2A và tuyến ĐSĐT số 3)
Tàu ART là gì?
Tàu điện ART hay còn gọi là Trackless Train, Rubber-tyred Trams là phương tiện giao thông công cộng có đặc tính dịch vụ vận tải hành khách công cộng của đường sắt nhẹ – LRT/ Light Rail Transit (gồm nhiều khoang, có khớp nối, cabin lái hai đầu, sàn thấp), không đường ray, có chi phí đầu tư và chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với tàu điện truyền thống.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hệ thống tàu điện ART với hệ thống tàu điện truyền thống là việc sử dụng pin lưu trữ Lithium-Titanate mà không cần hệ thống cấp điện trên cao, chạy trên bánh lốp, được dẫn đường tự động bằng ray ảo (với công nghệ dẫn hướng quang học, lidar SLAM và GPS) kết hợp với hệ thống cảnh báo chệch làn đường, hệ thống cảnh báo va chạm để hỗ trợ người lái giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác trên đường đảm bảo an toàn và hiệu quả cao trong vận hành khai thác.
ART là giải pháp mới về hệ thống vận tải hành khách công cộng trong đô thị với lưu lượng vận tải trung bình từ 18.000 – 30.000 hành khách/mặt cắt.
Đoàn tàu thông minh này hiện thực hóa chức năng dẫn hướng bằng đường ray ảo, khắc phục các hạn chế của đường ray vật lý bằng các công nghệ điều khiển tiên tiến.
Tàu điện ART sẽ được chế tạo theo đơn đặt hàng từ 3 khoang, 4 khoang và 5 khoang. Tàu điện ART điển hình sẽ có cấu hình 3 khoang được cấu tạo gồm 2 khoang có trang bị động cơ điện kéo và 1 khoang không động cơ.
Thân vỏ của tàu điện ART bằng hợp kim nhôm. Hệ thống khung gầm bằng thép cường độ cao gắn với giá chuyển hướng, động cơ điện, thiết bị giảm xóc, bộ truyền động phanh, bộ ổn định, lốp cao su, hệ thống treo độc lập và cơ cấu lái.
Ưu điểm nổi bật của tàu ART là gì?
Phương tiện ART nổi bật với khả năng cơ động cao, có thể cua gấp và di chuyển mượt mà qua các góc và vòng xoay mà không cần đường ray.
Chi phí xây dựng ART 3 toa dài 30 mét là 15 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,2 triệu USD), đi tốc độ 70 km/h, chở được 300 người. Các khoang ART có thể kết nối với nhau mà không cần hệ thống nối cơ học, giống như điều khiển đoàn tàu. Thiết kế sàn xe ART thấp giúp hành khách dễ dàng lên xuống.
ART có cabin lái ở cả hai đầu và có thể di chuyển hai chiều với tốc độ tối đa. Nó được trang bị cảm biến quang học và các loại cảm biến khác để tự động đi theo đường định sẵn. Hệ thống lái vô lăng tự động nhưng cũng cho người lái khả năng điều khiển thủ công nếu cần.
Nó cũng có hệ thống cảnh báo chệch làn và va chạm giúp duy trì khoảng cách an toàn và cảnh báo khi xe lệch làn. Hệ thống hỗ trợ đánh giá tình hình giao thông và đề xuất lộ trình khác để tránh kẹt xe.
Đồng thời, gương chiếu hậu điện tử với camera từ xa cung cấp tầm nhìn tốt hơn và có chức năng tự làm mờ để giảm chói. ART còn có camera xem 360° và radar để tăng cường an toàn trong điều kiện đường đông đúc.
ART chạy bằng pin lithium-titanate với phạm vi di chuyển 40 km mỗi lần sạc đầy. Pin có thể sạc nhanh tại các trạm, 30 giây cho 3-5 km di chuyển và 10 phút cho 25 km. Sạc tự động khi đến vị trí sạc. Tương lai, ART dự định sử dụng khí hydro để phát điện, với mỗi bình 30 kg có thể đi được 1.000 km. Đây được kỳ vọng là bước đột phá cho vận tải hành khách với chi phí thấp và thân thiện môi trường.
Thế hệ ART thế hệ tương lai sẽ sử dụng khí Hydro để phát điện cho động cơ thay cho hệ thống pin lithium-titanate. Với mỗi bình khí Hydro 30 kg, tàu ART có thể đi được 1.000 km. Các nhà khoa học kỳ vọng, phương tiện này sẽ có thể làm nên cuộc cách mạng lớn cho ngành vận tải hành khách khối lượng lớn với chi phí vận hành thấp, thân thiện với môi trường.
Tàu điện không ray thông minh này sẽ đóng góp vào sự phát triển của đô thị đông dân như Hà Nội, phù hợp với chiến lược xây dựng một đô thị có mạng lưới giao thông công cộng có khối lượng chuyên chở từ 20.000 – 30.000 hk/h và hướng tới trung hòa carbon.
Xây dựng dự án ART là một dự án sinh kế quan trọng, nâng cao hiệu quả vận tải HKCC với chi phí đầu tư thấp. Đồng thời, tạo ra sự phát triển nhảy vọt tự kỷ nguyên xe buýt sang kỷ nguyên giao thông công cộng bằng tàu không đường ray khối lượng lớn hơn.
Công ty sản xuất ART của Trung Quốc cho biết đoàn tàu này không những nâng cao hiệu quả giao thông đô thị mà còn giúp quảng bá hình ảnh thành phố và tạo nên hình ảnh thành phố đẹp – xanh – hiện đại.
Đáng chú ý, Hunan CRCC nhấn mạnh ưu điểm Hai “thấp” – Hai “nhanh” của ART, cực kì phù hợp với những gì Hà Nội đang cần ở một phương tiện công cộng. Cụ thể:
Chi phí đầu tư thấp: Chỉ bằng 1/10 Metro (tàu điện ngầm) và bằng 1/5 Monorail (tàu một ray).
Chi phí vận hành thấp: Giúp tiết kiệm nguồn lực đầu tư, giá vé bán ra cũng thấp, thu hút hành khách.
Phê duyệt dự án nhanh: Lập và phê duyệt dự án trong thời gian ngắn 3-6 tháng
Thi công nhanh: Thời gian thi công 6 tháng – 12 tháng cho 1 dự án.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết để ART có thể được đưa vào sử dụng, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng thì cần có các chế tài, cũng như luật hóa việc đi lại trên đường của tàu ART, không để các phương tiện khác xâm hại.
Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn với Hà Nội. Việc đưa thêm loại hình ART vào hệ thống VTHKCC sẽ đòi hỏi TP phải điều chỉnh nhiều quy hoạch; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách riêng cho nó.
ART ‘làm mưa, làm gió’ ở Trung Quốc như thế nào?
Được miêu tả là “tàu thông minh” đầu tiên trên thế giới, phương tiện chạy trên đường ray ảo chính thức chở khách trên những đường phố đông đúc ở Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc từ năm 2017. Hiện nay, ART đang vận hành 120km với 6 tuyến nổi bật bao gồm:
A2 Chu Châu: Tuyến ART trình diễn đầu tiên trên thế giới, dài 14,55km, bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2018.
T1 Nghi Tân: Tuyến ART được vận hành thương mại đầu tiên trên thế giới, dài 17,7km, bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2019.
T1 Cáp Nhĩ Tân: Tuyến ART đầu tiên hoạt động tại thủ phủ của một tỉnh phía Bắc, cũng là tuyến ART đầu tiên hoạt động tại vùng núi cao, dài 18,2km, bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2021.
T1 Hồ Châu: Hoạt động với vai trò đưa đón khách du lịch tại phố cổ Tongli, dài 5,2km, bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2021.
T1 Thiểm Tây: Hoạt động với vai trò đưa đón khách du lịch tại hồ Côn Minh, dài 11,9km, bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2023.
T4 Nghi Tân: Tuyến ART được vận hành thương mại dài nhất trên thế giới, dài 49,69km, bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2023.
Đáng chú ý, tuyến ART T4 Nghi Tân được đánh giá giúp đô thị Nghi Tân giảm tắc nghẽn giao thông tới 10,38%, đứng đầu trong số các thành phố lớn của Trung Quốc.
Hiệu quả vận hành của dự án ART Nghi Tân là không thể bàn cãi. Với thời gian hoạt động từ 6h30-22h30 hàng ngày, tuyến này vận chuyển 20.000 hành khách mỗi ngày.
9 tuyến ART khác cũng đang được xây dựng tại Trung Quốc gồm: ART T2 Nghi Tân 9.58km; Tây An – Côn Minh 11.9km; ART số 1 Tây An 11.6km; ART Jinghe New City 30.8km; ART T1 Tr; ART Đức Châu 17.2km; ART Lhasa 15km; ART T1 Dali 26.35km.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tau-ien-banh-lop-art-lam-mua-lam-gio-o-trung-quoc-uoc-e-xuat-ua-ve-ha-noi-co-gi-ac-biet-a414034.html