Có thể thấy top 10 trong bảng xếp hạng, có tới 7/10 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Ngân hàng. Tiêu biểu là ngân hàng Vietcombank đứng đầu bảng xếp hạng, khẳng định vị thế là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo Vietnam Report, với tỷ lệ 88,9% số doanh nghiệp lựa chọn, ngân hàng – trụ cột quan trọng của thị trường đã ghi nhận năm thứ hai liên tiếp nắm giữ vị trí số một trong số các ngành được dự báo có thể ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất.
Thực tế, lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của 27 ngân hàng tăng 9,6%, với sự phân hóa rõ rệt về mức sinh lời giữa các ngân hàng. Dù trong các quý tới, ngành này cũng còn nhiều thách thức liên quan đến vấn đề nợ xấu, rủi ro từ lượng TPDN đáo hạn lớn và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết vấn đề pháp lý còn tồn đọng, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay nhìn chung sẽ khả quan hơn năm 2023.
Nhận định này dựa trên kỳ vọng về sự hồi phục từ tăng trưởng tín dụng sẽ rõ rệt hơn vào nửa cuối năm trong môi trường lãi suất thấp, nền kinh tế ổn định, khởi sắc hơn năm trước cùng với NIM cải thiện ở mức độ nhẹ. Có thể thấy, từ tháng 3/2024, tín dụng đã đảo chiều sang tăng trưởng dương trở lại và tiếp tục nhích nhẹ trong tháng 4, hỗ trợ thêm cho kỳ vọng này. Sự lạc quan cũng đến từ định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn được nhận định ở mức hấp dẫn.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng – ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn có thể thu hút dòng tiền khi các quỹ lớn vẫn thường nhắm vào những nhóm ngành trọng điểm. Hơn nữa, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ 1/7 năm nay với những sửa đổi hướng tới nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro và tăng tính ổn định của ngành ngân hàng, được kỳ vọng sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài cho thị trường ngân hàng.
Theo An ninh Tiền tệ