Daihatsu sẽ tập trung vào xe nhỏ gọn dưới sự kiểm soát của Toyota
Ngày 8/4, Toyota và Daihatsu công bố quyết định về việc thay đổi cơ cấu nhằm ngăn ngừa tái diễn rủi ro. Điều này được cho là sẽ đưa Daihatsu trở lại đúng hướng, trở thành “công ty giải pháp di chuyển tập trung vào các phương tiện nhỏ gọn”.
Theo đó, Emerging-market Compact Car Company (ECC) – cầu nối cho mối quan hệ Toyota-Daihatsu – bị giải thể. Việc lập kế hoạch kinh doanh và sản phẩm, phát triển giấy chứng nhận sẽ được chuyển giao sang Công ty xe Toyota cỡ nhỏ (Toyota Compact Car Company).
Đáng chú ý, theo Tổng Giám đốc mới nhậm chức của Daihatsu, ông Masahiro Inoue, công ty sẽ cho ra mắt một mẫu xe kei chạy bằng pin, nhỏ hơn và không mạnh bằng các mẫu xe thông thường, song rẻ và tiện dụng hơn.
Trước mắt, Daihatsu sẽ đầu tư cho xe thương mại chạy điện và không có mốc thời gian cụ thể khi nào sẽ ra mắt xe du lịch sử dụng pin.
Nhưng có thể dự đoán chiếc xe này sẽ không đến quá sớm. Bởi theo cơ cấu mới, Toyota đã quyết định giãn thời gian phát triển xe để tránh lặp lại vết xe đổ. Việc chạy theo “deadline” một cách gấp gáp được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất thường trong quy trình thử nghiệm của Daihatsu vừa qua.
Ngoài ra, Daihatsu cũng sẽ phụ trách nốt Yaris thế hệ mới do đang phát triển dang dở.
Tuy nhiên, thay vì kiểm tra một cách chung chung như trước, các hoạt động của Daihatsu đều cần báo cáo Toyota.
Toyota sẽ chịu trách nhiệm từ khâu lên kế hoạch kinh doanh và phát triển sản phẩm đến chứng nhận cho các dòng xe nhỏ tại thị trường đang phát triển. Còn Daihatsu sẽ đóng góp vào quá trình đó với vai trò là đơn vị thực thi dưới sự giám sát chặt chẽ của Toyota.
Các việc khác bao gồm quản lý/tối ưu hóa tài nguyên và các vấn đề thuê ngoài khác cũng cần báo cáo Toyota.
Toyota Châu Á thay đổi cơ cấu
Ngoài ra, Toyota Châu Á Thái Bình Dương (TMAP – trụ sở tại Singapore) và Toyota Daihatsu (TDEM – trụ sở tại Thái Lan) sẽ được đổi tên thành “Toyota Motor Asia” (TMA) từ tháng 6/2024 (tùy thuộc vào thời gian được xét duyệt).
Cùng với việc đổi tên này, Toyota kỳ vọng sẽ “mang lại sự tự do di chuyển cho tất cả mọi người (Mobility for All)”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trên khắp khu vực châu Á và thậm chí cả các thị trường đang phát triển xa hơn.
Không chỉ Daihatsu, Toyota cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề quản trị riêng biệt tại nhà sản xuất xe tải Hino Motors và công ty liên kết Toyota Industries.
Các động thái trên được đưa ra sau những bất thường trong quy trình thử nghiệm của Daihatsu. Vụ việc có liên quan đến 64 mẫu xe, trong đó có 22 mẫu mang thương hiệu Toyota và một số mang thương hiệu Mazda, Subaru.
Vụ việc khiến Daihatsu đã tạm dừng sản xuất và vận chuyển xe tại 4 nhà máy lắp ráp ở Nhật Bản vào tháng 12-2023.
Tình hình đang dần được cải thiện trong những tháng sau đó, khi các nhà máy đang hoạt động trở lại sau khi Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh tạm dừng giao xe.
Với các động thái dứt khoát suốt thời gian vừa qua, giới chuyên gia cho rằng Toyota đã thực sự nhận ra “gót chân Achilles” để nhanh chóng gỡ rối các thách thức, hướng tới việc hoàn thiện dải sản phẩm hơn. Khi đó, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi hơn bao giờ hết.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/toyota-thay-oi-bo-may-daihatsu-tap-trung-lam-xe-nho-gon-co-ca-ong-co-ien-a414192.html