Tại một thị trấn thanh bình của Peru, cảng nước sâu Chancay xuất hiện giữa những đàn bồ nông và thuyền gỗ của ngư dân. Cảng này quan trọng đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến khánh thành vào cuối năm nay, trong chuyến công du dầu tiên tới lục địa này kể từ sau đại dịch.
Cảng nước sâu Chancay phần lớn thuộc sở hữu của tập đoàn vận tải biển khổng lồ China Ocean Shipping, hay còn gọi là Cosco. Chancay hứa hẹn sẽ giúp tăng tốc thương mại giữa châu Á và Nam Mỹ, mang lại lợi ích cho những khách hàng ở xa như Brazil. Mọi thứ từ quả việt quất đến kim loại đồng, thời gian vận chuyển qua Thái Bình Dương sẽ được rút ngắn.
Khi các quốc gia khác trên thế giới lo lắng về hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc, cảng Chancay có thể mở ra thị trường mới cho xe điện và các mặt hàng xuất khẩu khác. Trung Quốc vốn là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết quốc gia Nam Mỹ.
Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể kiểm soát nơi có tiềm năng trở thành trung tâm thương mại toàn cầu đầu tiên của Nam Mỹ. Các cựu quan chức Mỹ cho rằng dự án này nêu bật khoảng trống ngoại giao mà Mỹ đã để lại ở châu Mỹ Latinh, khi nước này tập trung nguồn lực ở nơi khác.
Ông Eric Farnsworth, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết điều này sẽ làm thay đổi cuộc chơi. Đây không chỉ là vấn đề thương mại mà còn là vấn đề chiến lược.
Ông John Youle , một doanh nhân nổi tiếng ở Peru và từng là nhà ngoại giao Mỹ, cho biết: “Người Mỹ đã phần nào ngủ quên. Đột nhiên họ bừng tỉnh”.
Nằm cách thủ đô Lima của Peru 50 dặm về phía bắc, cảng Chancay trị giá 3,5 tỷ USD sẽ là cảng đầu tiên trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận các tàu lớn nhờ độ sâu gần 18 mét. Điều đó cho phép các công ty gửi hàng hoá trên những con tàu trực tiếp đi lại giữa Peru và Trung Quốc, thay vì trên những con tàu nhỏ hơn phải qua Mexico hoặc California.
Cosco cho biết Chancay hoàn toàn nhằm mục đích thúc đẩy thương mại. Ông Gonzalo Rios, Phó tổng giám đốc Cosco tại Peru cho biết: “Đây là dự án thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển. Không có gì phải giấu giếm”.
Peru đã gạt đi những lo ngại của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Peru Javier González-Olaechea nói rằng nếu Mỹ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Peru thì nước này nên tăng cường đầu tư. Ông nói thêm rằng ai cũng được chào đón tại Peru.
“Mỹ có mặt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới với rất nhiều sáng kiến, nhưng không nhiều ở châu Mỹ Latinh. Họ giống như người bạn rất quan trọng nhưng dành không nhiều thời gian cho chúng ta”, ông nói.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc kiểm soát, điều hành khoảng 100 cảng biển nước ngoài. Theo nghiên cứu của AidData, Trung Quốc đã tài trợ gần 30 tỷ USD cho ít nhất 46 quốc gia từ năm 2000 đến năm 2021. Đầu tư vào cảng đã mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy ngoại giao với các quốc gia khao khát đầu tư.
Tuy nhiên, các cảng của Trung Quốc cũng đặt ra một số lo ngại về chi phí và môi trường ở một số quốc gia. Bên cạnh đó, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Mỹ Latinh Leland Lazarus tại Đại học Quốc tế Florida cho biết Peru đang gia tăng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Tại cảng, nơi có biển hiệu bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Quốc, một đường hầm dài hàng km sẽ cho phép xe tải chở hàng tiếp cận mà không cần đi qua thị trấn. Cần cẩu tự động và các phương tiện không người lái sẽ di chuyển hàng hóa lên một số tàu vận chuyển lớn nhất thế giới.
Việc xây dựng Chancay đã gây ra tiếng ồn và bất tiện cho cộng đồng ngư dân, thậm chí khiến nghề cá trong khu vực bị ảnh hưởng. Cosco cho biết họ đã sửa chữa nhà cửa, đường sá và nỗ lực giảm thiểu tác động đối với ngư dân. Trong khi đó, một số người kỳ vọng cảng sẽ mở cánh cửa thị trường châu Á cho quả việt quất và bơ của Peru.
Điều đặc biệt trớ trêu với Trung Quốc là việc thuyết phục Brazil sử dụng cảng này. Kể từ khi Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil vào năm 2009, vẫn còn trở ngại lớn là Brazil lại giáp Đại Tây Dương, phía đối diện với Peru.
Vận chuyển hàng xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc sẽ đi về phía đông qua Đại Tây Dương hoặc phía bắc đến Thái Bình Dương qua Kênh đào Panama. Với cảng Chancay, các nhà xuất khẩu ở xa có thể cắt giảm một nửa thời gian vận chuyển đến Trung Quốc. Nhưng việc đến được cảng nằm ở phía bên kia rừng nhiệt đới Amazon và dãy núi Andean vẫn là một thách thức lớn.
Peru có một đường cao tốc ở phía nam xa xôi kết nối với Brazil. Nước này cho biết các đường cao tốc và đường sắt mới kết nối với Chancay đang được lên kế hoạch. Bộ trưởng Giao thông Brazil Renan Filho cho biết: “Đây là loại dự án mà mọi người đều có lợi. Nhưng một số vấn đề lại cực kỳ phức tạp”.
Theo WSJ
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/trung-quoc-vuot-bien-xay-dung-sieu-cong-trinh-3-5-ty-usd-khien-my-giat-minh-bung-tinh-canh-cua-than-ky-dua-xe-dien-va-hang-hoa-trung-sang-thang-chau-luc-ben-kia-dai-duong-58103.html