Ngành phát triển phần mềm, lựa chọn nghề nghiệp phổ biến trong vài thập kỷ qua, đang dần thay đổi với sự trỗi dậy của Trí tuệ Nhân tạo (AI). Theo đó, ngành nghề này đang đối diện vói sức ép ‘bị cướp việc’ từ chính AI, trong bối cảnh AI không chỉ thực hiện phần lớn các công việc mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân lực lập trình.
Microsoft AutoDev, một sản phẩm mới của Microsoft, chính là ví dụ minh họa rõ nét cho bước tiến này. AutoDev là một phần mềm tự động dựa trên nền tảng AI, khai thác triệt để các khả năng của AI để tối ưu hóa quá trình phát triển phần mềm. Theo tài liệu nghiên cứu của Microsoft về AutoDev, AI Agent (Tác nhân AI) của công cụ này sẽ là ‘nhân tố chính’.
Theo định nghĩa, AI Agent là một hệ thống máy tính được thiết kế để đưa ra quyết định, chọn công cụ và thực hiện hành động để đạt được mục tiêu cụ thể, thường là mục tiêu hoặc bộ mục tiêu được xác định trước. Agent hoạt động độc lập, hiếm khi cần sự can thiệp của con người vào hoạt động của nó.
“AutoDev cho phép người dùng xác định các mục tiêu kỹ thuật phần mềm phức tạp, sau đó giao cho các tác nhân AI (AI Agent) tự động của AutoDev để thực hiện. Các tác nhân AI này có khả năng thực hiện đa dạng các thao tác trên cơ sở code, bao gồm chỉnh sửa tệp, truy xuất, xây dựng, thực thi, kiểm thử và các hoạt động git. Chúng còn truy cập được vào tệp tin, đầu ra của biên dịch, nhật ký xây dựng và kiểm thử, công cụ phân tích tĩnh và nhiều hơn nữa. Điều này giúp các tác nhân AI hoàn thành các nhiệm vụ một cách tự động, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh cần thiết.”, tài liệu của Microsoft mô tả.
Các kết quả thử nghiệm đầu tiên cho AutoDev rất khả quan. Khi thử nghiệm trên bộ dữ liệu HumanEval, AutoDev đã đạt tỷ lệ thành công 91.5% trong việc tạo ra các dòng code và 87.8% trong sinh kiểm thử.
Nghiên cứu của Microsoft cũng chỉ ra cách AutoDev có thể làm thay đổi bộ mặt ngành phát triển phần mềm, bằng cách phân công lại trách nhiệm như sau:
“Vai trò của nhà phát triển trong khuôn khổ AutoDev đã chuyển từ lập trình thủ công và xác nhận các gợi ý từ AI sang giám sát và điều phối sự hợp tác giữa nhiều tác nhân AI trên các nhiệm vụ cụ thể, với khả năng cung cấp phản hồi khi cần. Nhà phát triển giờ đây có thể theo dõi tiến trình của AutoDev thông qua việc quan sát cuộc đối thoại liên tục, được dùng để giao tiếp giữa các tác nhân và kho lưu trữ thông tin.”
Với những tiến bộ này, AutoDev không chỉ nâng cao hiệu quả phát triển phần mềm mà còn mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành công nghệ thông tin, nơi mà AI không chỉ hỗ trợ mà còn có thể dẫn dắt quá trình phát triển.
“Dân dev” nghĩ gì về công cụ AutoDev của Microsoft?
Các nhà phát triển đã có những phản ứng thú vị và không kém phần hài hước về Microsoft AutoDev, một công cụ mới mà Microsoft giới thiệu nhằm tự động hóa quá trình phát triển phần mềm thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Một số ý kiến cho rằng: “Tôi có thể tưởng tượng AutoDev kết hợp với các công cụ đo lường chất lượng và hiệu suất mã hiện có. Nó chưa hoàn hảo, nhưng lại cho thấy tiềm năng của những gì sắp tới, dù có vẻ như chưa sẵn sàng để được áp dụng rộng rãi.”
Một nhà phát triển khác bày tỏ: “Thật dễ dàng nhìn thấy lãnh đạo doanh nghiệp sẽ rất ấn tượng và có thể sẽ cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, nhưng rốt cuộc có thể họ sẽ không nhận được sản phẩm nào hoàn chỉnh như mong đợi.”
Còn có ý kiến hài hước rằng: “Hệ thống này có thể tự động….hủy bỏ bản thân sau khi gặp phải các quản lý sản phẩm (Product Manager – PM), những người miệng thì đòi một nút màu xanh lá cây nhưng trong đầu lại thực sự lại muốn một cái nút màu tím.”
Và một nhận xét cuối cùng: “Hy vọng AI sẽ phát triển một phiên bản hệ điều hành Windows tốt hơn và phát hành nó miễn phí cho mọi người.”
Mặc dù đã có nhiều suy đoán, nhưng việc AutoDev xuất hiện sớm đến vậy là điều không nhiều người ngờ tới. Chúng ta cần chờ xem AutoDev sẽ hoạt động như thế nào trong thời gian tới và liệu nó có thật sự biến các nhà phát triển phần mềm trở thành chỉ những người giám sát công việc hay không.
Được biết thêm, không chỉ riêng Microsoft, các công ty công nghệ lớn khác như Google cũng đã không ngần ngại tham gia vào cuộc đua này. Gần đây, Google đã giới thiệu Gemini Code Assist và CodeGemma, với Gemini Code Assist hỗ trợ lập trình đa ngôn ngữ, trong khi CodeGemma chạy trực tiếp trên thiết bị của người dùng.
Bản thân những nhân vật nổi tiếng tại thung lũng Sllicon cũng có quan điểm cho rằng nghề lập trình sẽ dần do AI đảm nhiệm, đơn cử như CEO Nvidia Jensen Huang. Tại hội thảo GTC 2024 diễn ra tháng 3/2024 tại California, ông Huang chia sẻ quan điểm. “Tôi nghĩ mọi người có thể học mọi loại kỹ năng”, ông nói, so sánh việc học viết code cũng tương tự các kỹ năng như tung hứng, chơi piano hay học tính toán. “Lập trình không phải là điều cần để bạn trở thành người thành công. Nhưng nếu ai đó muốn học, hãy học vì chúng tôi đang tuyển lập trình viên”.
Theo người sáng lập Nvidia, kỹ sư muốn thành công không nhất thiết phải trở thành một lập trình viên C++, thay vào đó chỉ cần trở thành kỹ sư ra lệnh.
Tại sự kiện hồi tháng 2 ở Dubai, Jensen Huang cũng từng gây sốc khi nói người trẻ không nên học lập trình. Theo ông, con người đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI và lập trình không còn là kỹ năng quan trọng nữa. Ông cho rằng trí tuệ nhân tạo đang đảm nhận công việc này ngày một tốt, do đó con người nên tập trung vào các chuyên môn có giá trị hơn như sinh học, giáo dục, sản xuất hoặc nông nghiệp.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tu-viet-code-en-giam-sat-mot-cong-cu-cua-microsoft-se-giang-cap-dan-lap-trinh-xuong-vai-tro-quan-oc-phai-kiem-tra-xem-ai-ang-lam-gi-moi-ngay-a415148.html