Tờ Nikkei Asian Review mới đây cho biết XPeng, EHang và nhiều công ty Trung Quốc khác đang cố gắng thương mại hóa xe điện bay trong năm nay để khai thác tối đa lợi thế ô tô điện, qua đó giành thị phần trên toàn cầu.
Xe điện bay
Hãng XPeng AeroHT, một startup xe điện đã đặt mục tiêu có doanh số trong năm nay với sản phẩm ô tô điện cất cánh thẳng đứng (eVTOL). Nói cách khác, chiếc xe điện này vừa có thể lái trên mặt đất, đồng thời có thể cất cánh bay trên không.
“Các phương tiện eVTOL thông thường không thể lái trên mặt đất nhưng sản phẩm của chúng tôi là phương tiện kép, nghĩa là vừa bay vừa lái trên mặt đất được”, Phó chủ tịch Qiu Mingquan của XPeng AeroHT tự tin nói.
Hiện Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã bắt đầu khảo sát để đánh giá chứng nhận cho các sản phẩm eVTOL này như một yêu cầu tiêu chuẩn trước khi thương mại hóa.
Nguồn tin của Nikkei cho hay XPeng AeroHT sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng tại Trung Quốc vào tháng 10/2024 và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2025. Hiện nhu cầu xe điện bay là khá lớn trong ngành du lịch, nhất là những khách hàng đam mê hoạt động ngoài trời.
Theo nhiều ước tính, sản phẩm xe điện bay này sẽ có giá khoảng 1 triệu Nhân dân tệ, tương đương 138.000 USD. Tuy nhiên Phó chủ tịch Qiu cho hay đang cố gắng giảm giá xuống vài trăm nghìn Nhân dân tệ nhờ sản xuất hàng loạt.
Phía XPeng AeroHT cũng cho biết đang nhắm đến cả thị trường nước ngoài, đặc biệt là các khu vực như Trung Đông nhờ các khách hàng giàu có tiềm năng.
Ngoài ra, XPeng AeroHT cũng cho biết đang cố gắng thương mại hóa loại eVTOL cánh gập khác khi cánh quạt có thể gập lại và cất trên đầu xe khi lái. Một mẫu xe dạng này đã được trưng bày triển lãm ở Las Vegas vào tháng 1/2024.
Một hãng Trung Quốc khác là EHang thì đã lấy được giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho mẫu xe điện bay EH216-S vào tháng 10/2023. Loại xe điện bay 2 chỗ này có thể cất cánh 25 phút cho mỗi lần sạc, được bán với giá 2,39 triệu Nhân dân tệ tại Trung Quốc và 410.000 USD ở thị trường quốc tế kể từ đầu tháng 4/2024.
“Chúng tôi nhận được khá nhiều đơn hàng từ Trung Quốc và Đông Nam Á”, Phó Chủ tịch He Tianxing của EHang cho hay.
Sức mạnh Trung Quốc
Báo cáo của China Merchants Securities cho thấy Trung Quốc đang chiếm 50% trong tổng số các mẫu eVTOL trên toàn cầu, vượt xa so với chỉ 18% của Mỹ và 8% của Đức.
Nhờ lợi thế chuỗi cung ứng và công nghệ xe điện phát triển, đặc biệt là ở mảng ắc quy, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới ở sản phẩm mang tính cách mạng này.
Về lý thuyết, ắc quy cho eVTOL yêu cầu mật độ năng lượng cao đến trên 400 WH cho mỗi kg trọng lượng. Bởi vậy những nhà sản xuất ắc quy hàng đầu thế giới như CATL của Trung Quốc đang dẫn đầu công nghệ phát triển nguồn năng lượng cho eVTOL, mang lại lợi thế trực tiếp cho các doanh nghiệp xe điện bay.
Hiện một số tập đoàn xe điện của Trung Quốc cũng đang chạy đua với công nghệ mới này. Gần đây nhất, tập đoàn xe điện Guangzhou Automobile Group cũng đang phát triển eVTOL với thiết kế tách phần máy bay khỏi khung gầm và sẽ được thử nghiệm vào năm 2025.
Trong khi đó, hãng xe điện Aerofugia của Geely cũng đang sản xuất loại eVTOL có thể chở 6 hành khách và bay đường dài.
Nhiều chuyên gia cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng nên eVTOL được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này, đồng thời nâng cao hiệu suất vận tải, hậu cần.
Nghiên cứu của Global Information và MarketsandMarkets cho thấy thị trường eVTOL toàn cầu dự kiến đạt giá trị 23,4 tỷ USD vào năm 2030, cao hơn 19 lần so với năm 2023.
Sức hút của thị trường này đã khiến hãng Boeing của Mỹ cũng không thể ngồi yên. Giám đốc công nghệ Todd Citron của Boeing nói với Nikkei rằng hãng dự định tiếp cận thị trường xe điện bay tại Châu Á vào năm 2030 nhằm bắt kịp xu thế mới.
*Nguồn: Nikkei
Theo An ninh Tiền tệ